Giáo Phận Nha Trang
Giáo xứ Phước An

Nhà thờ Giáo xứ Phước An
Giáo hạt Ninh Thuận

Địa chỉ : Nhà Thờ Phước an, Phước Sơn, Ninh phước, Ninh thuận
Chánh xứ : Linh Mục Gioakim Nguyễn Phúc Hoà
Ohó xứ    : Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Hiển

Tel
 068-862156 
E-mail
  
Năm thành lập
 1967 
Số giáo dân
 3782 

Giờ lễ
Chúa nhật     :  8:00
Ngày thường :  4:30   -   17:30   -  Thứ bảy :   18:00


1. Vị trí địa lý
Ðông giáp Mương Cái, Cầu Lầu. Tây giáp núi Hòn Ðỏ và Hòn Dài. Nam giáp đồi Gia Lai, Ðất Bầu Bèo. Bắc giáp Mương Cái và đập Nha trinh.
2. Hình thành và phát triển
Một buổi sáng đẹp trời tháng tư năm 1925, bốn cổ xe ngựa lạch cạch gõ nhịp trên đường Dinh thuỷ Phước thiện, trên xe lớn có, nhỏ có, đàn ông có, đàn bà có. Ðó là 11 gia đình gốc Bình định, được Ðức cố Giám mục Marcel Lợi (Piquet) hồi đó là linh mục quản xứ Dinh thuỷ, giúp di cư vào Tầm Chưởng làm ăn.
Tầm chưởng chính là tên cúng cơm của Phước an. Tầm chưởng vốn là vùng đất nhà chung khá rộng chưa khai khẩn. Hồi trước, lúc còn là giáo sư của Tiểu chủng viện Ðại an, cố Lợi vốn có nhiều cảm tình với giáo dân nơi đây, một thời gian khi cố Thọ (cố Sở) qua đời, Ðức giám mục chưa cử linh mục khác tới thay, cố Lợi tạm thời phụ trách. Sau này về Dinh thuỷ (Phan rang), cố vẫn tìm cách giúp đỡ giáo dân cũ. Nhận thấy Tầm chưởng đất tốt và rộng, không người canh tác, cố cho thầy Nghiêu (quản lý) về tuyên truyền di dân vào sinh sống. Sung sướng vì được sự lo lắng của linh mục cũ, nhiều gia đình muốn dời cư nhưng bản tính do dự, không mấy ai dám lên đường. Cuối cùng chỉ có bảy gia đình Ðại an, một gia đình Làng sông, một Cảnh Hàn và hai Nam Bình "liều mạng" theo thầy Nghiêu xuống thuyền vô Nam tất cả chỉ có 48 người. Ðấy những người tiên phong của giáo xứ tôi đấy.
Lên tới Phước thiện 4 xe ngựa ngừng. Các gia đình được phân tán gửi vào các gia đình giáo dân trong xứ. Cùng ngày, hai chiếc xe bò chở ấm, nồi, xoong, chảo, chén bát, được linh mục Dinh thuỷ cho chở lên. Trong bước đầu nhà Chung phát gạo, mắm, muối, trâu bò, vật dụng. thầy Nghiêu lo lắng mướn người Thượng (phía trại thịt bây giờ) xuống phát cây cuốc đất, lo dựng tạm lều ở, đêm về Phước thiện. Sau hai tháng tạm trú, mỗi gia đình đã có một túp lều chui đụt khi mưa nắng. Cha mẹ con cái lại kéo nhau lết thếch vào đất mới, cây cối vẫn rậm rạp, tranh cỏ mọc quá đầu người, ra khỏi nhà đã có thể gặp Cọp, nhưng những người tiên phong đó của giáo xứ tôi vẫn không chút sờn lòng. Ngày định cư đúng vào tháng Ðức Mẹ (tháng 05.1925) lại gần ngày lễ Ðức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu. Linh mục Phước Thiện lúc đó là linh mục Triều đã đặt Ðức Mẹ phù hộ các giáo hữu làm bổn mạng. Tạm có chỗ ở, song song với việc sản xuất nuôi sống, là kiến tạo một nơi tập hợp thờ phượng. Mỗi người hăng hái bắt tay vào việc dựng nhà nguyện. Ðịa điểm là nền nhà xứ hiện tại.
Ðất đai phù nhiêu, nhưng khốn nỗi khí hậu độc vô kể. Số người bị sốt rét khá nhiều. Buổi đầu ăn uống không đủ, thuốc men thiếu thốn, lại thêm muỗi mòng đốt, số người chết, nhất là trẻ em lên cao. Dầu vậy dân chúng vẫn không nản. Công việc vẫn tiến triển đều. Rẫy vườn khai phá ngày càng rộng. Ðời sống cao dần. Những căn lều được nới rộng, cất cao hơn. Nhà Chúa vì thế cũng cần được khang trang. Năm 1932, ngôi nhà thờ cũ họ Ðá Hàn (Ninh Quí) được linh mục Phước Thiện cho chở lên làm nhà thờ Tầm Chưởng, ở nền nhà nguyện cũ, còn nhà nguyện tranh cũ giỡ làm nhà xứ, địa điểm là sân trường bây giờ, nhưng cũng chỉ được mấy năm rồi sập.
Nhận thấy dân số ngày càng đông, phần do sinh sản, phần do đồng bào các tỉnh miền ngoài đi vào, nhà Chung đã nghĩ đến một ngôi nhà thờ mới. Năm 1944, sư huynh Michel dòng Thánh Giuse hồi đó quản lý nhà Chung Phước Thiện, cho khởi công xây cất nhà thờ. Và cuối năm đó, Ðức Giám Mục Piquet Lợi về làm phép ngôi nhà thờ đá lợp ngói này. Nhà thờ cũ, vẫn để nguyên chỗ, dùng làm trường học, sau này khi đã có trường mới, dùng làm nhà xứ và là nhà xứ hiện nay.
Năm 1945, Tầm Chưởng được đổi tên mới là Phước An.
Dân chúng bằng nghề trồng thuốc lá. Mỗi năm vào khoảng tháng 09 đất đai đã được cầy xới để chuẩn bị mùa thuốc. Nửa tháng 10 cây thuốc đã cao, mùa thuốc thực sự bắt đầu. Bận rộn nhất là các tháng 11, tháng chạp, tháng giêng và tháng hai. Bẻ lá, ghim thuốc, phơi thuốc vất vả, thức khuya dậy sớm. Nhưng được điều yên ủi là dân làng làm theo chế độ đổi công, nên đỡ vất vả phần nào. Và khi thuốc đã phơi khô, nhà Chung mua giùm. Khoảng tháng 05 mùa màng xong xuôi, bây giờ mới thực sự là giai đoạn nghỉ ngơi sau những tháng bù đầu với thuốc. Vì thuốc lá để qua một ngày không hái là có thể hư nên không thiếu những gia đình mồng hai Tết đã đi bẻ. Mùa thuốc kéo dài 08 tháng, mỗi năm những tháng tương đối rảnh rỗi dân thôn tôi trồng các thứ hoa màu phụ như dưa, bắp, đậu, ớt. cũng có gia đình không sống nghề trồng trọt, nhưng sống nghề chăn nuôi bò, dê, cừu. Tuy nhiên con số này chiếm ít.
Vấn đề sinh sống tạm ổn, cần nghĩ đến giáo dục, từ năm 1949, Ðức giám mục đã gởi đến một sư huynh dòng Thánh Giuse, mấy lớp cũng ngồi đó trong căn nhà rộng 06m, dài 07m, không vách ngăn và cũng chỉ một thầy giáo đó. Một thầy giáo ba lớp học, đủ cả sơ cấp. Cho đến năm 1957, trường mới được xây cất và vì số học sinh ngày càng đông nên năm 1967 đã xây thêm hai lớp dành cho mẫu giáo.
Phần thiêng liêng, những năm đầu, giáo dân ra Phước Thiện dự lễ Chúa Nhật. Mỗi năm dịp bổn mạng, linh mục Phước Thiện vào dâng lễ một lần. Nhận thấy số giáo dân càng ngày càng đông, từ năm 1950 Ðức giám mục cho linh mục phó Phước Thiện vào phụ trách họ Phước An.
Năm 1967 Ðức Giám Mục F.x Nguyễn Văn Thuận công bố họ Phước an được nâng lên hàng Giáo xứ và bổ nhiệm linh mục Ðậu vương Quyền làm linh mục quản xứ đầu tiên.
Giáo xứ Phước An gồm có họ lẻ Liên Sơn và Xóm Mới, sắp trở thành họ lẻ là Xóm Láng (Cầu Lầu).
  • Họ Liên Sơn: Nằm cách nhà thờ Phước an chừng 3 km về hướng Tây Bắc có khoảng một trăm gia đình công giáo tính được 500 giáo dân trong số đó có 44 giáo dân người dân tộc thiểu số. Tổng số dân chừng 2000 người gồm người Kinh và Dân tộc thiểu số. Nhà thờ nằm trên ngọn đồi, được xây dựng năm 1961.
  • Xóm Mới: Ðây là điểm quy tụ các gia đình mới hiện có 118 gia đình công giáo và trên 600 giáo dân, nằm cách nhà thờ Phước an trên 1 km về hướng Bắc. Ðang xin phép xây dựng nhà nguyện.
Giáo xứ Phước An tính luôn xóm Mới, gần 680 gia đình công giáo, được 3500 giáo dân. Tổng số dân của HTX Phước An trên 4000 hộ khẩu. Tỷ lệ công giáo là 87%. Vậy toàn giáo xứ tính cả Liên Sơn chừng 4000 giáo dân.
Các linh mục phụ trách giáo xứ từ ngày thành lập đến nay:
Ban đầu, linh mục quản xứ Phước thiện đi lại trông nom và lo cho họ đạo. Rồi từ năm 1950 các linh mục Phó Phước Thiện ở luôn tại Phước An để trực tiếp phụ tránh họ đạo, Gồm các linh mục sau đây:
  • Linh mục Hoàng (1950-1955)
  • Linh mục Mừng (1955-1959)
  • Linh mục Bình (1959-1964)
  • Cố Saunier Nhứt (1965)
  • Cố Moussay Phú (1965)
  • Linh mục Chiểu (1966)
  • Linh mục Huệ (1966)
  • Năm 1967 họ Phước an được nâng lên hàng giáo xứ có các linh mục quản xứ sau đây:
  • Linh mục Phaolô Ðậu vương Quyền (1967-1975)
  • Linh mục Fx Nguyễn đình Kim (1975-1984)
  • Linh mục Fr Nguyễn Tôn Sùng (1986-1991) linh mục quản xứ Phước Thiện kiêm linh mục quản xứ Phước An.
  • Linh mục Giuse Trương Phúc Tinh 23.11.1991 - 2005
  • Linh Mục Gioakim Nguyễn Phúc Hoà 26/10/05 đến nay

Sinh hoạt giáo xứ
1. Các lớp giáo lý
Giáo lý phổ thông bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng đến tháng 11, dạy theo chương trình giáo lý giáo phận. Do các nữ tu và các anh chị em giáo lý viên phụ trách.
Giáo lý tân tòng bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng đến ngày 24.5.
Giáo lý hôn nhân học 3 tháng, kết thúc ngày 24.5.
Lớp giáo lý viên học một tuần hai tối vào thứ 4 và thứ 6
2. Các hoạt động:
Dịp khai giảng năm học mới tổ chức phân phát một bộ quần áo cho các em dân tộc thiểu số và giúp tiền cho các em đi học.
Hướng tương lai
Ưu tiên của giáo xứ: Quan tâm khuyến khích giới trẻ về việc học tập và đời sống đạo. Một vài lớp học tình thương, bổ túc văn hoá và xoá mù chữ. Phòng phát thuốc


Lễ Tạ ơn của Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Hiển (5/12/2010)









Categories:

Leave a Reply